Friday, April 1, 2011

Cần Thơ Địa Chí Thắng Cảnh

Cần Thơ: Địa Chí – Thắng Cảnh

Cần Thơ nằm trên bờ phải sông Hậu, ở đồng bằng sông Cửu Long. Là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. Ngày 24 tháng 6 năm 2009 được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là đô thị loại 1.
Cần Thơ là một thành phố nằm trên bờ phải sông Hậu, cách Thành phố Hồ Chí Minh 169 km về phía tây nam. Diện tích nội thành 53 km². Thành phố Cần Thơ có diện tích 1.389,59 km² và dân số 1.187.089 người

Khí hậu
Khí hậu ở Cần Thơ là khí hậu nhiệt đới với 2 mùa rõ ràng: mùa mưa (tháng 5 đến tháng 11) và mùa khô (tháng 12 đến tháng 4). Độ ẩm trung bình là 83%, lượng mưa trung bình 1.635 mm, nhiệt độ trung bình 27°C.

LỊCH SỬ
Cần Thơ vốn là đất cũ tỉnh An Giang thời Lục tỉnh của nhà Nguyễn. Khi người Pháp chiếm Miền Tây Nam Kỳ (1867) thì tỉnh An Giang bị cắt thành sáu tỉnh nhỏ: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Năm 1957, dưới thời Đệ nhất Cộng hòa tỉnh có tên là Phong Dinh với tỉnh lỵ là Thị xã Cần Thơ.
Năm 1976, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lập Hậu Giang gồm ba tỉnh: Phong Dinh, Chương Thiện (có thị xã Vị Thanh) và tỉnh Ba Xuyên (có thị xã Sóc Trăng) của Việt Nam Cộng hoà. Cuối năm 1991, tỉnh Hậu Giang lại chia thành hai tỉnh: Cần Thơ và Sóc Trăng.
Ngày 1 tháng 1 năm 2004 tỉnh Cần Thơ được chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang ngày nay.
Thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương có diện tích tự nhiên là 138.959,99 ha và dân số là 1.187.089 người, bao gồm: diện tích và số dân của thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh; huyện Ô Môn; huyện Thốt Nốt; một phần của huyện Châu Thành, bao gồm: thị trấn Cái Răng; các ấp Thạnh Mỹ, Thạnh Huề, Thạnh Thắng, Yên Hạ và 176 ha diện tích cùng với 2.216 người của ấp Phú Quới thuộc xã Đông Thạnh; các ấp Thạnh Hóa, Thạnh Hưng, Thạnh Thuận, An Hưng, Thạnh Phú, Phú Khánh, Khánh Bình và 254,19 ha diện tích cùng với 1.806 người của ấp Phú Hưng thuộc xã Phú An; các ấp Phú Thành, Phú Thạnh, Phú Thuận, Phú Thuận A và 304,61 ha diện tích cùng với 1.262 người của ấp Phú Lợi thuộc xã Đông Phú; một phần của huyện Châu Thành A, bao gồm: xã Trường Long; xã Nhơn Ái; xã Nhơn Nghĩa; ấp Tân Thạnh Đông và 84,7 ha diện tích cùng với 640 người của ấp Tân Thạnh Tây thuộc xã Tân Phú Thạnh.
Cần Thơ được biết đến như là "Tây Đô" (thủ đô của miền Tây) của một thời rất xa. Cần Thơ nổi danh với những địa điểm như bến Ninh Kiều, phà Cần Thơ... Hiện nay, dự án cầu Cần Thơ đang được xúc tiến triển khai, hứa hẹn một tương lai phát triển hơn cho miền đồng bằng trù phú này.
Sau hơn 120 năm phát triển, thành phố đang là trung tâm quan trọng nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long về kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật.
Thành phố Cần Thơ chính thức trở thành đô thị loại 1 trực thuộc trung ương kể từ ngày 24/6/2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định số 889/QĐ-TTg, công nhận TP Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, đạt được 82,39 điểm/100 điểm (quy định từ 70 điểm trở lên).
Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/04/2009 dân số Cần Thơ là 1.187.089 người, trong đó: Dân cư thành thị 781.481 người chiếm 65,8% và dân cư nông thôn 405.608 người chiếm 34,2%.
Cần Thơ được chia làm 10 đơn vị hành chính gồm 6 quận và 4 huyện. Tổng số thị trấn, xã, phường: 68, trong đó có 4 thị trấn, 30 phường và 34 xã

KINH TẾ

Nông nghiệp
Cây nông nghiệp chính của Cần Thơ là lúa. Sản lượng lúa tại Cần Thơ là 1.194,7 tấn. Ngoài ra có một số cây hoa màu khác nhưng sản lượng không đáng kể2.
Ngành chăn nuôi ở Cần Thơ chủ yếu là nuôi heo và gia cầm. Số lượng heo là 2589,3 ngàn con, số lượng gia cầm là 13 ngàn con (vì bị cúm gia cầm). Các gia súc khác như trâu bò chiếm số lượng không nhiều2.
Ngành thủy sản ở Cần Thơ chủ yếu là nuôi trồng.
Công nghiệp
Công nghiệp Cần Thơ về cơ bản đã xây dựng được nhiều cơ sở hạ tầng để phục vụ cho các đối tác nước ngoài tác nhập; điển hình là 2 khu công nghiệp tại Trà Nóc trực thuộc quận Bình Thủy. Trung tâm Công nghệ Phần mềm Cần Thơ ,Cantho Software Park CSP cũng là một trong những dự án được Thành phố quan tâm đầu tư phát triển.
Thương mại - Dịch vụ
-Có nhiều siêu thị và khu mua sắm, thương mại lớn như: Co-op Mart, Maximart, Citimart, Vinatex, Best Caring, Siêu thị Điện máy Sài Gòn Chợ Lớn, Khu mua sắm Đệ Nhất Phan Khang, Khu Thương Mại Tây Đô, Trung tâm thương mại Cái Khế (gồm 3 nhà lồng và 1 khu ăn uống). Và sắp tới là Khu cao ốc mua sắm, giải trí Tây Nguyên Plaza hiện đang được xây dựng tại khu đô thị mới Hưng Phú.
-Dịch vụ rất đa dạng: rất nhiều loại hình dịch vụ đã và đang dần phát triển mạnh như Ngân hàng, Y tế, Giáo dục, Văn hóa xã hội,... Hiện có rất nhiều chi nhánh của các ngân hàng lớn trên khắp cả nước tại Tp. Cần Thơ như Vietcombank, Eximbank, Sacombank, Maritime bank, SeaBank, SCB, Ngân hàng Quân đội, Trust Bank, Vietbank, VietinBank, Gia Dinh Bank, Northern Asia Bank, HSBC, AZN...
-Hiện Q.Ninh Kiều đang triển khai thử nghiệm loại hình Chợ Đêm hoạt động từ 18h đến 4h sáng hôm sau
Các tour du lịch tại Cần Thơ chủ yếu là du lịch trên sông nước và các vườn cây ăn trái.
Ngoài đặc trưng về địa lý là đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP. Cần Thơ được ví như "đô thị miền sông nước". Hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông. Các cù lao như: Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Khương, cồn Ấu... bồng bềnh trên sông Hậu hết sức độc đáo để phát triển loại hình du lịch sông nước. Trước tiên, du khách đến công viên Ninh Kiều với nhiều loại cây kiểng quý, hoa đẹp kéo dài từ vàm rạch Cái Khế đến tận nhà lồng chợ cổ vừa mới trùng tu. Bến Ninh Kiều là nơi giao thoa giữa sông Hậu và sông Cần Thơ. Sau khi bồng bềnh trên sông uốn khúc, xuồng ghe tấp nập, du khách tham quan Chợ nổi Cái Răng - chợ mua bán trên sông một nét sinh hoạt đặc trưng văn hóa Nam bộ. Tờ mờ sáng, hàng trăm ghe hợp lại thành chợ trên một khúc sông. Chợ bán đủ loại các sản phẩm miệt vườn được treo trên một cây sào cắm trước mũi ghe gọi là "cây bẹo". Người mua chỉ cần nhìn vào "cây bẹo" là biết ngay ghe bán thứ gì. Ngoài việc tham quan, mua những sản phẩm xanh tươi, du khách có dịp gần gũi tâm sự với những người gọi là "dân thương hồ". Quanh năm, họ lấy sông nước làm bầu bạn. Tiếp đến, du khách len lỏi theo những kênh rạch trong cù lao xanh ở TP. Cần Thơ như cồn Khương, cồn Ấu... Sau một ngày thư giãn cùng sông nước, du khách nghỉ chân ở nhà hàng, khách sạn "hạng sao" như: Ninh Kiều 2, Golf, Quốc Tế, Victoria...


--------------------------------------------------------------------------------
Du Lịch Miệt Vườn Cần Thơ

Trong những năm gần đây hàng loạt các vườn du lịch xanh tươi mà hiện đại đã và đang xuất hiện trên khắp các tuyến đường bộ, đường thuỷ ở Cần Thơ thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến thăm. Vườn du lịch Mỹ Khánh, vườn nhà ông Sáu Dương, vườn lan Bình Thuỷ, vườn vòng cung, trên các tuyến sông Phong Ðiền, Phụng Hiệp và nhiều vườn du lịch gia đình khác ở Long Mỹ, Vị Thanh, Ô Môn, Thốt Nốt đang phát triển.
Từ thành phố Cần Thơ du khách theo quốc lộ 1 về hướng Sóc Trăng, qua cầu Ðầu Sáu, đến gần cầu Cái Răng rẽ phải khoảng 6 km là đến vườn du lịch Mỹ Khánh. Vườn Mỹ Khánh rộng 2,2 ha với hơn 20 loại cây trái, hoa kiểng và nhiều loại động vật như chim các rùa, rắn, cua, tôm ...Du khách đi dạo trong vườn hít thở không khí trong lành mát mẻ và được nếm các loại trái cây chín và những món ăn đặc sản miệt vườn. Dưới bóng cây xanh thấp thoáng ẩn hiện những ngôi nhà rông nhỏ xinh là nơi khách nghỉ đêm.
Khu du lịch Ba Láng ở cách thành phố Cần Thơ 9 km (trên quốc lộ 1 theo hướng Sóc Trăng, qua cầu Cái Răng) rộng 4,2 ha. Nơi đây có hồ ao sen nuôi động vật, 2 hồ tắm dành cho người lớn và trẻ em, có sân khấu ngoài trời, chuồng thú, khách sạn mini. Những miệt vườn ở đây được kết hợp loại hình kinh tế vườn và du lịch đã làm phong phú thêm tuyến du lịch miền sông nước Cửu Long.


--------------------------------------------------------------------------------
Chợ Đêm Tây Đô

Chợ nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 1km về phía tây sông Hậu, tọa lạc trong khuôn viên công ty Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ. Dẫu mới tái thành lập trong thời gian gần đây, nhưng chợ đêm Tây Ðô đ­ược xem là một điểm văn hóa du lịch đặc trưng, nổi bật và hấp dẫn ở Cần Thơ hiện nay. Chợ đêm Tây Ðô không chỉ thu hút người dân địa ph­ương mà kể cả du khách gần xa.
Ðiều đáng ghi nhận là chợ đêm Tây Ðô tuy mới tái thành lập nh­ưng nó đ­ược nhiều ng­ười cổ vũ, tán đồng và cùng tham gia họp chợ. Chợ đêm Tây Ðô x­a là một chợ đầu mối phân phối các mặt hàng ở khu vực đi các vùng lục tỉnh, thành phố và ngược lại. Ðặc biệt thời bấy giờ, chợ đêm Tây Ðô còn là một điểm phố ẩm thực về đêm, cùng với các dịch vụ giải trí... liên tục hoạt động trong một thời gian khá dài có thể nói là một thị phần trong điểm hẹn trao đổi buôn bán, giới thiệu các sản phẩm không thể thiếu đ­ược trong sinh hoạt của người dân lục tỉnh thời đó. Nhưng tiếc thay, do bị ảnh hưởng chiến tranh, chợ đã nhiều lần gián đoạn.
Chợ đêm Tây Ðô hiện nay có kiến trúc hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh và hoàn toàn mang phong cách Nam bộ. Chợ được chia theo từng gian hàng rất thứ tự và thông thoáng. Cho dù các thương dân có bày bán nhiều chủng loại mặt hàng thì vẫn trông rất gọn gàng và thẩm mỹ. Ðường đi bộ mua sắm trong lòng chợ hoàn toàn nhựa hóa và thoáng rộng.
Các sản phẩm tại chợ đêm Tây Ðô đều được chọn lọc, phong phú và đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách trong việc lựa chọn sản phẩm. Ði kèm với hàng hóa, chợ đêm Tây Ðô còn có những dịch vụ giải trí như: trò chơi điện tử, sân khấu ca nhạc ngoài trời và các chương trình giải trí thư giãn khác...
Ðến chợ đêm Tây Ðô, du khách sẽ thật sự có một chuyến du lịch hữu ích và những kỷ niệm khó phai. Vì ngoài việc mua sắm những món quà kỷ niệm hay những sản phẩm cần dùng trong sinh hoạt, du khách còn được thưởng thức những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt đậm đà bản sắc dân tộc mà chỉ có ở hạ nguồn sông Mê Kông nổi tiếng mới có được.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Hội chợ Triển lãm quốc tế Cần Thơ cho biết: chợ đêm Tây Ðô ra đời là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh, sự hỗ trợ và tham gia của các nhà doanh nghiệp và đặc biệt là của ng­ười dân địa phương trong việc khơi dậy một tiềm năng. Ông cho biết thêm, để đáp lại tinh thần đó, ngay những ngày đầu trong kế hoạch chợ đêm Tây Ðô, Công ty đã đưa ra nhiều chế độ ưu đãi đối với các thành phần kinh tế tham gia chợ đêm. Ðồng thời ông cũng nêu rõ: chợ đêm Tây Ðô sẽ trở thành một chợ đêm văn hóa du lịch đúng nghĩa của Ðồng bằng sông Cửu Long.


--------------------------------------------------------------------------------
Bến Ninh Kiều

Bến Ninh Kiều nằm trên hữu ngạn sông Hậu, chạy ngang thành phố Cần Thơ. Bến nhìn ra một đường phố lớn ven sông tấp nập, đông đúc, có khách sạn du lịch quốc tế đồ sộ
Xế về phía ngã năm là chợ, về phía tây bắc là bến phà. Ở chỗ bến sông sâu từ 8 đến 10m. Ở đây cái hấp dẫn du khách là nhà thủy tạ trên sông. Nhà thủy tạ là một con tàu nổi bồng bềnh nối bờ bằng một đoạn cầu, hai bên cầu có lan can, khách có thể dừng chân đứng hóng gió. Nhà nổi này chính là nhà hàng ăn uống có hai tầng với hàng trăm chỗ ngồi. Khách tới nhà nổi, gọi ly nước ngọt, hoặc một xị rượu nếp than nhắm với món lẩu lươn đặc sản địa phương. Vừa ăn uống, vừa ngắm cảnh sông Hậu. Trên sông đủ loại thuyền ngược thuyền xuôi tấp nập. Xuồng là loại nhỏ nhất trên sông. Xuồng Cần Thơ khác với loại xuồng Sa Đéc, Long Xuyên, Bạc Liêu. Xuồng Cần Thơ hình tròn, mũi cong, hình con thoi rất nhẹ nhàng... Cô gái Hậu Giang uyển chuyển chèo thuyền, giọng hát man mác lan tren mặt sông "Chài em đỗ bến Ninh Kiều"


--------------------------------------------------------------------------------
Chùa Phước Hậu Cần Thơ

Từ Thành phố Cần Thơ, xuôi dòng sông Hậu về phía hạ lưu cách thị trấn Trà Ôm không đầy một cây số, bạn sẽ thấy ở Tản Nhạn có một ngôi chùa cổ đứng giữa những tán tre già. Ðây là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX cũng như lịch sử Cách mạng của tỉnh Vĩnh Long và khu Tây Nam Bộ thời chống Mỹ. Giữa thế kỷ XIX nơi đây chỉ là một am nhỏ do các tu sĩ từ miền Trung vào đây lập nên. Nhờ công quả của các vị ấy cùng với dân làng Ðông Hậu qua nhiều lần xây cất, trùng tu chùa Phước Hậu trở thành một thiền điện uy nghiêm. Từ đời Hoà thượng Hoàng Chỉnh khai sơn năm 1910 ngôi chùa là một trong các Tổ đình của Thiền Tông Nam Tế ở Việt Nam.
Gọi là Tổ đình bởi trong Tháp Ða Bảo của chùa Phước Hậu có thờ di cốt của các vị cao tăng từng lãnh đạo phong trào Phật giáo ở Nam Kỳ, một phong trào tiến bộ nhằm gắn đạo phật với truyền thống dân tộc và đời sống xã hội, đó là Thiền sư Khánh Hoà người khởi xướng phong trào đấu tranh Phật giáo vào năm 1930, Thiền sư Huệ Quang vị pháp chủ đầu tiên của Giáo hội, Thiền sư Khánh Anh pháp chủ đời thứ hai, vị thứ tư là Hoà thượng Thích Quảng Ðức, nhà sư đã tự thiêu tại Sài Gòn ngày 11/6 /1963 để phản kháng chế độ Ngô Ðình Nhiệm được giới phật tử tôn vinh là Bồ Tát.
Chùa Phước Hậu xứng danh là một Tổ đình, bởi đây là nơi trụ trì hành đạo của nhiều vị hoà thượng có học vấn uyên bác, có tinh thần yêu nước và xu hướng tư tưởng tiến bộ.
Trong kháng chiến chống Mỹ chùa Phước Hậu đã trở thành cơ sở hoạt động của các tổ chức Cách mạng khu Tây Nam Bộ, người phụ trách cơ sở này là Hoà thượng Hoàng Phú, tục danh của ông là Võ Văn Minh. Trong số các hiện vật lịch sử cách mạng đang lưu trữ tại bảo tàng Vĩnh Long có các thẻ tín đồ phật giáo do chùa Phước Hậu xuất cho một số cán bộ hoạt động công khai ở thành thị, có thể tìm thấy ở đây thẻ tín đồ kèm với căn cước của đồng chí Lê Minh lấy tên là Trần Văn Cần và đồng chí Nguyễn Văn Lưu lấy tên là Trần Văn Sáu. Trải qua bao trận phong ba ngôi chùa vẫn đứng hiên ngang giữa vòng vây của quân thù. Cơ sở cách mạng vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày thống nhất đất nước, chùa Phước Hậu lại trở về với không khí trầm mạc, ôn nhã của chốn thiền lâm ngày ngày sống dưới thanh quê nơi thôn dã như cha ông xưa từng mơ ước. Mùng một ngày rằm khách thập phương cùng đồng bào Phật tử đến chùa dâng hoa lễ vật với lòng kính ngưỡng các vị tổ sư, đó là những bậc chân tu đã đem hết đạo hạnh và trí tuệ của mình hiến dâng cho tổ quốc, cho đồng bào.
Năm 1994 chùa Phước Hậu được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hoá xếp vào hạng danh lam trên đất nước Việt Nam. Trong nắng sớm mưa chiều tiếng chuông trầm hùng của chùa Phước Hậu cứ mãi ngân vang, tiếng chuông như gợi nhớ bao kỷ niệm về những ngày đấu tranh gian khổ, về những người khoác áo nâu sòng đã hiến trọn cuộc đời để giữ chọn mối đạo, vẹn nghĩa với nước non. Thật đáng trân trọng lý tưởng của đấng tu hành không phải để tạo công lập đức mà vì sự an nguy của chúng sinh vì sự giác ngộ đâu là đường đi hay lẽ phải. Cái đẹp của di tích lịch sử chùa Phước Hậu chính là giá trị nhân văn xuất phát từ truyền thống yêu nước và đạo nghĩa của dân tộc ta.


--------------------------------------------------------------------------------
Vườn Cò Bằng Lăng

Du khách đến Thốt Nốt, một huyện giàu tiềm năng kinh tế của tỉnh Cần Thơ, không chỉ để ngắm những cánh đồng lúa chín vàng bạt ngàn hay cù lao Tân Lộc đầy ắp các vườn cây trĩu quả, nằm chơ vơ giữa dòng Hậu Giang. Thốt Nốt hớp hồn du khách còn bởi một thắng cảnh. Ðó là vườn cò Bằng Lăng của ông Nguyễn Ngọc Thuyền, ngụ tại ấp Thới An (xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt).
Về vùng đất Tây Ðô lần đầu tiên lại nghe nói đến địa danh Bằng Lăng (gắn liền với tên dòng kênh, cây cầu, vườn cò) tôi rất ngạc nhiên và tò mò. Theo lão nông Nguyễn Ngọc Thuyền, chủ nhân vườn cò Bằng Lăng: "Cái tên kênh Bằng Lăng đã tồn tại từ lâu xưa kia ở quê tôi, nhà cửa còn thưa thốt. Dọc theo hai bờ kênh này, loài cây bằng lăng phát triển rất mạnh. Về mùa xuân, hoa Bằng Lăng nở rộ soi tím cả đáy nước. Sau này, khi mở đường vượt sông, tên cầu Bằng Lăng cũng được đặt theo tên dòng kênh đó. Riêng tôi, để cho ấn tượng và tiếp nối truyền thống của người xưa nên cũng đặt luôn cái tên vườn cò là Bằng Lăng".
Vườn cò Bằng Lăng nằm cách cây cầu cùng tên (thuộc quốc lộ 9) khoảng 1,5km. Muốn vào được nơi đây du khách có thể đi theo con đường làng ngoằn ngoèo qua các xóm nhỏ, bờ tre ruộng lúa... Du khách sẽ cảm thấy thoải mái khi được hít thở không khí trong lành nơi thôn dã và ung dung ngắm nhìn đất trời tự do. Hoặc chọn cho mình loại phương tiện di chuyển bằng đường thủy để tận hưởng trọn vẹn cảm giác bồng bềnh trên sóng nước. Dù bằng con đường nào, cuối cùng bóng dáng vườn cò cũng hiện ra trước mắt quý khách với diện tích 13.397m2 đất, vườn cò Bằng Lăng nằm lọt thỏm giữa cánh đồng ruộng mênh mông, tựa như một ốc đảo đang biệt lập với thế giới bên ngoài. Thế những, nó lại là nơi cư trú và sinh sản của gần 335.000 con cò bố mẹ (mật độ thống kê 25 con/m2). Theo ông Thuyền, trong các cư dân đó, có tất cả 11 loài cò là cò quắm cò ngà, cò cá, cò ruồi, cò rằn, cò rán, cò ma, cò lép, cò xanh, cò sen, cò đúm và 9 loài chim thuộc họ hàng nhà cò là vạc, diệc, quấc, còng, bạc má , điên điển, bìm bịp bồ nông. Dù cùng ngụ trên một "đảo cò" nhỏ bé, nhưng các chú chim ở đây chung sống với nhau thật hiền lành và yêu chuộng hòa bình.
Ngày nay, vườn cò Bằng Lăng đang trở thành khu du lịch sinh thái. Có được thành quả ấy ông Thuyền đã phải đổ biết bao mồ hôi nước mắt. Trước kia, nơi vườn cò là những ruộng lúa thuộc gia đình ông, nó được bao quanh bởi các hàng xoài xen lẫn bóng mát dừa xanh. Vào năm 1983, vài trăm con cò không biết ở đâu về cư ngụ trên phần đất canh tác của ông. Vốn bản tính yêu thích thiên nhiên, người nông dân Nguyễn Ngọc Thuyền không xua đuổi hay săn bắt cò mà ông nghĩ: "Ðất có lành, chim mới đậu. Bảo vệ loài cò tức là tôi đã góp phần bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn linh khí đất trời để vùng đất này không xảy ra chiến tranh, thiên tai địch họa. Ngoài ra, tôi muốn mọi người biết đến xứ sở quê tôi vẫn còn có thắng cảnh vườn cò Bằng Lăng, nơi vui chơi, giải trí lành mạnh".
Ðến năm 1994, số lượng cò về ngày càng nhiều. Chim bắt đầu xây tổ nên cây cối chết dần. Trước tình hình đó, ông bàn bạc cùng vợ con bỏ làm ruộng, đào ao nuôi cá làm thức ăn cho cò, trồng thêm cây cho chúng cư trú. Ngày tháng trôi qua, dưới sự miệt mài chăm sóc của gia đình ông cây cối trong vườn lại xanh tốt, lượng cò rủ nhau về và sinh sản trên phần đất của ông ngày càng nhiều hơn. Ðiều kỳ lạ là cò chỉ thích quanh quẩn trong "ngôi nhà xanh" mà ông đã cố công vun đắp cho chúng, chứ tuyệt nhiên không "xâm phạm" sang các khu vườn kế cận khác, mặc dù điều kiện sống cũng giống nhau. Vào mỗi buổi chiều, nếu đứng trên chòi cao quan sát từng đàn cò trắng chập chờn đáp về nơi cư trú thì du khách sẽ có cảm giác như màu trắng của cò lấn át cả màu xanh của lá. Ðến vườn cò Bằng Lăng-Thốt Nốt trong buổi bình minh hay buổi chiều tà im ắng, tai nghe "bản nhạc cò" đồng quê thì chắc chắn du khách không khỏi ngất ngây, xao xuyến trước bức tranh thiên nhiên thanh bình, tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho người dân vốn hiền hòa, mộc mạc và hiếu khách nơi đây. Riêng tôi đến lúc chia tay ra về, sao lòng vẫn tràn đầy cảm giác lâng lâng, tiếc nuối.


--------------------------------------------------------------------------------
Chùa Nam Nhã

Chùa Nam Nhã, do lão Thái Nguyễn Giác Duyên lập nên, hồi cuối thế kỷ 19, nổi tiếng về vẻ đẹp kiến trúc bề thế, vững chãi mà hài hòa với thiên nhiên. Chùa cũng từng là trụ sở chính của phong trào Đông du (1907 - 1940), nơi chu cấp cho các học sinh du học và chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Chùa chủ trương ăn chay nhưng không cạo đầu hay mặc nâu sồng và rất đề cao ý chí tự lực tự cường để tồn tại và phát triển.
Ai đã một lần đến thành phố Cần Thơ (Tây Đô) chắc không thể bỏ qua cơ hội ghé thăm chùa Nam Nhã, còn gọi là chùa Minh Sư hay Đức Tế Phật Đường, nằm cách trung tâm thành phố 5 km về phía bắc. Ngôi chùa này nổi tiếng không chỉ về vẻ đẹp kiến trúc, mà còn bởi lịch sử hình thành và phát triển của nó gắn liền với phong trào cách mạng của nhân dân và tinh thần bất khuất của một số sĩ phu, văn thân yêu nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chùa Nam Nhã thuộc ấp Bình Nhật, xã Long Tuyền (nay thuộc phường An Thới thành phố Cần Thơ), phía trước chùa là dòng sông Bình Thủy in hình những bóng cây đại thụ, đối diện là đình Long Tuyền uy nghi đồ sộ. Phía đông là cồn Sơn ví như trái châu của suối Rồng (Long Tuyền) và cồn Bình Thủy ví như lưỡi rồng, nằm giữa dòng sông Hậu cuồn cuộn chảy theo những lớp sóng bạc đầu.
Chùa được xây cất trên một khoảnh đất hàng chục mẫu, cổng chùa xây bằng gạch cổ, lợp ngói ta, vững chãi bề thế. Sân chùa được bao quanh bởi một khu vườn lớn trải dài ra tận bờ sông Bình Thủy; giữa vườn là hòn non bộ cao trên 2m được đặt trong một bồn nước trong xanh xây bằng gạch tầu đỏ sậm, trong vườn trồng nhiều cây tùng, cây trắc và các cây cổ thụ khác. Đan xen dưới những gốc cây này là những cây kiểng quý giá, tuổi ngót 100 năm được cắt uốn rất công phu.
Chính diện là một ngôi nhà lớn 5 gian, xây theo lối vòng cung, mỗi gian được 4 cột xi-măng chống đỡ với 3 vòm bán nguyệt. Các họa tiết hoa văn trang trí ở đây đều được tô đắp rất công phu tỉ mỉ làm tăng vẻ mỹ lệ của gian chính diện. Sau chính điện là một hành lang dài có hai căn phòng tiếp khách quý. Bên phải và bên trái chùa là 2 dãy nhà lợp ngói gọi là Đông Lan đường (còn gọi là Cần đạo đường) dùng cho nam giới và Tây Lan đường (còn gọi là Khôn
đạo đường) dùng cho nữ giới ăn thông với nhà bếp. Sau chùa là cả một vườn cây ăn trái, xanh tốt quanh năm, mùa nào quả ấy, tiêu biểu cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Lịch sử chùa Nam Nhã có nhiều nét độc đáo. Nguyên từ năm 1895 do chịu ảnh hưởng hệ tư tưởng của các vị lão sư Đinh Hảo Khiêm, Ngô Cẩn Tiền ở chùa Quảng Nam (Đa Kao, Sài Gòn) xuống Bình Thủy truyền đạo Minh Sư thờ Tam Giáo (Nho, Phật, Lão), lão thái Nguyễn Giác Duyên bèn dẹp tiệm thuốc bắc ở chợ Bình Thủy về ấp Bình Nhật và lập nên ngôi chùa Nam Nhã. Đầu tiên, ngôi chùa chỉ có 3 gian, cột gỗ, cổng và mái lợp ngói rất đơn sơ
gồm chính điện là gian giữa, hai gian bên là Đông Lan đường và Tây Lan đường. Đến năm Đinh Tî (1917), Nguyễn Giác Duyên và em là Nguyễn Giác Cung, cùng ban chủ sự chùa gồm Dương Văn Đạt (thầy Ba Chệt), Mai Thị Đồ, Bùi Hữu Sanh (con trai thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa) cùng chung lo xây lại chùa lần thứ hai có nhà Tam Bảo. Đến năm 1923, chùa lại được tu bổ, hoàn thiện thêm một lần nữa và có quy mô to lớn như ngày nay.
Nam Nhã chính là tên hiệu thuốc bắc của lão thái Nguyễn Giác Duyên, chùa còn có tên là Minh Sư. Từ ngày đầu thành lập, tại chùa đã có nhiều hoạt động yêu nước và tiến bộ.
Chùa Nam Nhã còn nổi tiếng vì đây là trụ sở chính của phong trào Đông du (1907-1940) do cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Ngôi chùa là nơi thường lui tới của các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Cường Để, Nguyễn Hào Vĩnh... Trong thời kỳ Đông du, chùa đã tự tổ chức ra nhiều cơ sở kinh tài, lấy tiền nuôi học sinh du học, chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Tại đây, nhiều cuộc bình thơ, họa thơ đã được tổ chức và xuất hiện nhiều áng văn thơ yêu nước, có nội dung đòi độc lập dân tộc, dân chủ, dân quyền. Văn phẩm Đạo Nam kinh do chùa Nam Nhã phổ biến, thời kỳ này bị Pháp liệt vào loại sách cấm, đã đề cao vai trò học vấn, chống ngu muội, chống mê tín, đề cao tiến bộ khoa học kỹ thuật của văn minh loài người.
Chùa chủ trương ăn chay, nhưng không cạo đầu, không mặc nâu sồng, ai mặc quần áo gì cũng được miễn là trang nghiêm và kín đáo. Chùa chỉ có một cái chuông để thỉnh báo cho thiện nam tín nữ trước khi lễ. Chùa tập trung vào tu dưỡng tâm tính con người, lấy sản xuất, tự lực tự cường để tồn tại và phát triển. Ngày nay, chùa Nam Nhã vẫn duy trì được lối sống giản dị đó, du khách đến chùa bất kỳ lúc nào cũng thấy một không khí làm việc tấp nập trong sự yên tĩnh đặc biệt.


--------------------------------------------------------------------------------
Vườn Đom Đóm Cái Sâu

Đom đóm là một lọai côn trùng cánh cứng,có khả năng phát sáng dưới bụng do hai chất mem tác dụng với nhau có oxy. Đom đóm đẻ trứng ở trong đất trứng nở thành sâu rồi hoá nhộng. Nhộng trở thành đom đóm rồi bay lượn lập loè với một làn ánh sáng huyền ảo. Mùa hè là thời kỳ đom đóm trưởng thành, những đom đóm phát sáng là đom đóm cái, đom đóm đực không phát sáng. Nhờ những đặc điểm đó nhờ những đặc điểm đó đom đóm đực dễ dàng nhận ra người bạn tình của mình mà tìm đến ve vãn.
Gần đây các nhà khoa học Nhật đã ghép ghen quy định sự phát sáng của đom đóm vào cây lúa. Lúc được ghép ghen này đều phát sáng trong tối. Thành công này giúp dò vị trí gen lạ được ghép vào chổ nào, rất có ý nghĩa với sinh học hiện đại.
Một nữ du khách Nhật cho tôi biết đom đóm là một côn trùng vô hại nhưng không biết vì sao ở đất nước cô, loài đom đóm này đang gặp nguy cơ diệt chủng, nên người Nhật rất quý và tìm cách bảo vệ chúng. Chính vì thế mà du khách Nhật đến Cần Thơ đều rất thích tham quan đom đóm phát sáng.
Tôi làm quen với cô hướng dẫn du khách tham quan chợ nổi vườn trái cây bằng đò, đó là cô Hà, út Thảo. Các cô thường ngồi trước khách sạn Tây Hồ. Hầu như các cô điều biết tiếng Anh, riêng cô Thảo thì biết tiếng Nhật nên dễ dàng tiếp xúc thân thiện với du khách Nhật để chào mời các tour tham quan chợ nổi vườn trái cây. Đặc biệt là tham quan vườn đom đóm.
Bến Ninh Kiều lúc 17 giờ 30. Cô Thảo cùng với các cô gái Nhật bước xuống đò, tôi cũng vội vàng bước theo. Đò chạy dọc vào miệt Cái Nai, Cái Da rồi qua rạch Cái Sâu. Đò chạy chầm chậm len lỏi vào các rạch nhỏ lúc màn đêm buông xuống. Chúng tôi mắt hướng về những vòm cây đang lập loè ánh sáng vàng xanh mát dịu cô Nikashuki nói với chúng tôi bằng tiếng Anh đại ý: "Ngồi trên đò giữa bầu trời đêm vắng lặng,nhìn ngắm những ánh sáng lập loè, tâm hồn cô thấy thanh thản bình yên, quên đi hết thời gian ồn ào ngột ngạt ngồi xe ở thành phố. Ánh sáng đom đóm giúp cô quay về với những hoài niệm xa xưa thời thơ ấu, và liên tưởng đến những ngày lễ giáng sinh, tết ở quê nhà, cha mẹ cô gắnh những chiếc đèn chớp sáng lên những cây tùng."
Không riêng gì cô gái Nhật, tôi cũng đang về với quá khứ mơ mộng. vui hay sợ những vì đom đóm. Hồi nhỏ khi ở quê mỗi lần đi xem hát đình về khuya, thấy những ánh sáng lập loè bay như ma trơi, tôi sợ cóng giò đi không nổi. Khi lớn tuổi hơn thì không còn sợ nữa mà thấy yêu thích đom đóm, chúng tôi bắt đom đóm cài lên tóc khi chơi cút bắt trong đêm hoặc bỏ vào bọc ni lon hay lọ thủy tinh làm đèn.
Mải say sua sống lại thời thơ ấu, tôi quên đi thời gian đang trôi không dừng lại. Cô Thảo hướng dẫn kêu cô lái đò cho nổ máy .Tôi nhìn đồng hồ, đã 20giờ. Đò chạy ngược ra hướng Cần Thơ, khoảng 20 giờ 45 thì cập bến Ninh Kiều. Chúng tôi trở về khách sạn Tây Hồ ngồi trò chuyện.Cô Nikashuki móc ví trả tiền cho cô Thảo với giá 1 giờ 3USD ,tổng thời gian vừa đi và về là 3 giờ.
Tôi nghĩ chuyến tham quan thật thú vị, vậy mà từ trước tới giờ mình hoàn toàn không biết. Tuy đom đóm trưởng thành vào mùa hè, nhưng ở miệt Cái Sâu mùa nào cũng có đom đóm phát sáng. Đây là một lợi thế mà thiên nhiên đã ưu đãi ban cho một loại hình tham quan lý tưởng cho du lịch sinh thái, phù hợp với nhu cầu và sở thích của du khách, đặc biệt là du khách Nhật.
Tôi chợt nhớ câu ca dao:
Bần de đom đóm lập loè.
Thấy em nhỏ xíu anh ve để dành
Tôi mong dân ở Cái Sâu cũng sẽ "ve" con đom đóm để dành cho du lịch sinh thái, đừng vô tình phun thuốc diệt côn trùng ở những tàng cây có đom đom cư ngụ.


--------------------------------------------------------------------------------
Làng cổ Long Tuyền

Làng cổ Long Tuyền ở tây nam TP Cần Thơ là nơi "đất lành", nhiều nhà văn hóa có tiếng đất Nam Bộ đã sinh ra ở đây. Ngày nay, Long Tuyền thu hút du khách nhờ vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ cùng vườn cây trái xum xuê.
Làng cổ Long Tuyền nằm ở phía tây nam vàm sông Cần Thơ, nay gồm các phường Bình Thủy, An Thới cùng hai xã Long Tuyền, Long Hòa thuộc thành phố Cần Thơ. Qua quá trình vận động phát triển hàng trăm năm, Long Tuyền cổ kính còn có vinh dự góp phần tạo nên thành phố trung tâm cả vùng châu thổ Nam Bộ hôm nay.
Trước khi có "tỉnh Cần Thơ" trên bản đồ hành chính (1876) vùng đất này thuộc "lục ấp" rồi dần trở thành làng Bình Hưng (1844, đời Thiệu Trị thứ 13). Ðến năm 1852, nhân sự kiện đoàn hải thuyền của Tuần phủ Huỳnh Mẫn Ðạt thoát hiểm ngay trên sông Bình Thủy thuộc làng, nên cái tên Bình Thủy ra đời. Bình Thủy đã đẹp sao phải đổi lại là Long Tuyền (1908)? Các bậc tiền nhân đã lý giải và bình thật hay: "Rạch này (ý nói sông Bình Thủy) nước chảy uốn khúc như thân rồng nằm, miệng rộng và vàm sông Bình Thủy há toác ra ngậm trái châu là đất Cồn Linh án ngang vàm sông. Các chi lưu của bốn rạch tủa ra như bốn chân rồng. Ðoạn đuôi thon thon nằm vắt tận cuối làng. Nước sông bốn mùa lăn tăn gợn sóng như muôn triệu vẩy rồng lấp la lấp lánh, ẩn hiện giữa những vườn cây trái xum xuê...".
Ðịa hình Long Tuyền như biểu tượng thu nhỏ của vùng đồng bằng sông nước mênh mang này. Sông Bình Thủy dài 15 km chia làng thành hai phần đối xứng rồi từ đây tỏa ra trên 30 con kênh rạch lớn nhỏ tự nhiên hoặc nhân tạo đan xen chằng chịt với những tên gọi rất bình dị như điệu hò nơi đây vậy. Bà Ðồ, Bà Chủ Kiểu, Ông Ðội, Ông Quới, rạch Cam, rạch Chanh... Cả một nền "văn hóa ghe xuồng" hiển hiện trên sông rạch rồi vườn cây kế tiếp vườn cây, xanh ngắt, ngút ngàn.
Các cụ đã tiên liệu Long Tuyền sẽ là một vùng "địa linh nhân kiệt", là "đất học". Và sự thật đúng như vậy. Làng cổ Long Tuyền là nơi sinh ra cụ Thủ khoa Nghi Chi Bùi Hữu Nghĩa (1807 - 1872), một trong bốn Rồng vàng đất Nam Bộ. "Văn minh sông nước miệt vườn" Cần Thơ cũng đẹp hơn, đi xa hơn qua thơ văn của cụ, hay nói như nhà nghiên cứu văn học, giáo sư Lê Trí Viễn: "Nếu nói đến Mạc Thiên Tích là nói biển, nói núi, nói hồ ở Hà Tiên, đọc Trịnh Hoài Ðức là đọc cảnh vật miền Ðông thì với cụ Thủ khoa là nói về trời nước Hậu Giang vậy".
Lần đầu trong lịch sử văn hóa, cụ đã dân gian hóa nghệ thuật tuồng mà trước đó vốn là nghệ thuật cung đình. Vở tuồng nổi tiếng Kim Thạch kỳ duyên của Cụ được coi là cổ nhất nước ta từng lưu diễn khắp lục tỉnh, trên cả ba miền và cũng là vở tuồng đầu tiên của nước nhà được dịch ra tiếng Pháp. Vì vậy nhiều người quả quyết: Khi nói đến tuồng thì Trung Bộ có Ðào Tấn còn Nam Bộ chính là Bùi Hữu Nghĩa. Lại có nhà nghiên cứu văn học cho rằng trong thể loại văn tế, nếu Nguyễn Ðình Chiểu viết hay và cảm động nhất về những nghĩa sĩ tử vì nước thì Bùi Hữu Nghĩa viết hay nhất, cảm động nhất về những người thân yêu trong gia đình (tế vợ và con gái): "Ðất chẳng phải chồng, sao nỡ thịt xương hòa với đất / Trời không chết vợ, đặng coi gan ruột thử cho trời... Có linh chín suối đừng xao lãng / Thỉnh thoảng về thăm lúc tối trời", "Ðường ra ngõ vào còn đó, con đi đâu cho cỏ mọc rêu phong / Thúng may rổ vá còn đây, con đi đâu cho mốc meo đóng trắng", v.v. Những áng thơ "rút ruột" đó vẫn xao động xót xa lòng người đến tận bây giờ. Long Tuyền còn đó "Tao đàn Bà Ðồ" lưu danh hậu thế (bộ "Hằng Nga thi tập") từng là nơi "nhả ngọc phun châu" của những tài văn yêu nước chói sáng Nam Bộ thời cận đại như Phan Văn Trị (chán cảnh quan trường lui về ẩn dật tại Phong Ðiền, Cần Thơ), Nguyễn Ðình Chiểu, Huỳnh Mẫn Ðạt, Lê Quang Chiểu, Phan Hiến Ðạo, Cử Thanh... Trong hai cuộc chiến khốc liệt giành độc lập dân tộc, người dân Long Tuyền luôn thể hiện nghĩa khí truyền đời "Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây..." của cụ Thủ khoa ngày trước. Là một xã nằm trên tuyến lộ vòng cung oai hùng "Ðạn chen đầu đạn, bom cài hố bom" khốc liệt năm xưa, tấm lòng trung trinh vì cách mạng của người dân Long Tuyền thật vô cùng. Xã có đến 409 gia đình liệt sĩ, 16 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" mà Ðảng, Nhà nước phong tặng xã Long Tuyền là một minh chứng cụ thể cho phẩm chất đó.
Ðã đến Cần Thơ, du khách thường tìm đến Long Tuyền bởi nơi đây ngoài cảnh sông nước hữu tình, còn có đến sáu di tích cấp quốc gia, chiếm gần một phần ba số di tích quốc gia cả tỉnh Cần Thơ. Ðình Bình Thủy, tức Long Tuyền cổ miếu, được dựng lên từ thuở "khai sinh lập địa" (1844) có quy mô diện tích vào loại lớn (trên 4.000 m2) trong các đình làng Cần Thơ, phản ánh phần nào tầm vóc của làng cổ Long Tuyền. Tiềm ẩn dưới mái đình này không chỉ là lịch sử truyền thống cội nguồn của một làng cổ Nam Bộ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ. Hằng năm, vào dịp lễ Kỳ Yên (thượng điền: 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch; hạ điền: 14, 15 tháng chạp) đều có lễ rước sắc thần; không khí náo nhiệt vui tươi của hội làng với nhiều trò chơi dân gian, hát bội, hát Tiều. Ðây là một lễ hội văn hóa thu hút hàng nghìn dân chúng khắp nơi, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang).
Rồi chùa Nam Nhã (nơi từng lưu dấu chân của Phan Bội Châu, Cường Ðể và sau này là nhà cách mạng Ngô Gia Tự), Hội Linh cổ tự, Long Quang cổ tự, mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, trụ sở An Nam Cộng sản Ðảng... Và cũng không thể bỏ qua thắng cảnh vườn lan, nhà cổ Bình Thủy (26/1A đường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), nơi được coi là điểm sáng văn hóa về nguồn của đất phương Nam. Hình như ở vùng đồng bằng sông nước này chưa có chủ nhân ngôi nhà nào lại có dịp tiếp xúc, tạo tình quyến luyến với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như chủ nhân nhà cổ Bình Thủy: nhà thơ Xuân Diệu, Xuân Thủy, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa lão thành Trần Văn Giàu, nhà văn hóa Sơn Nam, nhà viết kịch Học Phi, v.v. Ðây cũng là ngôi nhà có duyên với "nghệ thuật thứ bảy" nhất bởi đã lọt vào khuôn hình của hàng chục bộ phim (Chân trời nơi ấy, Những nẻo đường phù sa, Công tử Bạc Liêu, Cây tre trăm đốt, Tây Ðô và ban mai, Xương rồng Cần Thơ...),v.v. Ðặc biệt bộ phim nổi tiếng "Người tình" của đạo diễn người Pháp Annand cũng được quay hơn một tuần ở đây.
Cần Thơ có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ gìn giữ di tích. Ðình Bình Thủy đang được trùng tu với kinh phí trên 1 tỷ đồng; chùa Nam Nhã cũng được sửa sang thoáng đãng sạch sẽ hơn; làm đường vô Hội Linh cổ tự; dự án tu bổ vườn lan, nhà cổ Bình Thủy...
Phong khí văn hóa Long Tuyền là sự hòa quyện của đất, nước và con người nơi đây; là sự nở hoa của quá khứ trong lòng hiện tại; là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Long Tuyền tuy tiếp xúc với nhiều nền văn hóa (Hoa, Khmer, Pháp, Nhật, Mỹ...) nhưng vẫn tạo ra, giữ gìn được bản sắc "văn minh miệt vườn sông nước" rất riêng, rất độc đáo và đó chính là nội lực, là cội nguồn sức mạnh giúp Long Tuyền đứng vững, phát triển trên vùng đất mới đầy biến động


--------------------------------------------------------------------------------
Chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng - Là chợ nổi nằm ngay sát thành phố Cần Thơ, chỉ cách nội ô khoảng 5 km, đầu mối trái cây miệt vườn. Dự kiến nơi đây sẽ trở thành chợ trung tâm tự sản tự tiêu lớn của cả vùng.
Chợ nổi Phong Ðiền - Nằm ngay ngã ba sông Cần Thơ vào Cầu Nhím thuộc xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành, cách TP.Cần Thơ chỉ 17 km. Ðây là một trong những chợ buôn bán trái cây đặc sản cam, quýt, sapochê, bưởi, vú sữa và độc quyền rau cảI địa phương... cũng sôi động nên thơ không kém:
"Phong Ðiền chợ nổi ven sông
Bồng bềnh mặt nước chợ đông sớm chiều".


--------------------------------------------------------------------------------
Chợ Cổ Cần Thơ

Trước kia vốn là chợ Cần Thơ cũ có từ hơn một trăm năm, sau đó được xây dựng lại theo kiến trúc truyền thống rất đẹp và độc đáo, đặc biệt là vào ban đêm. Đây là nơi mua sắm sầm uất nằm ngay trung tâm thành phố, tập trung nhiều du khách...



Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, chợ cổ Cần Thơ còn mang một ý nghĩa lịch sử quan trọng, chính là ngôi chợ sầm uất nhất ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long gắn liền với đời sống của người dân miền Tây từ xưa, là nơi buôn bán giao thương tấp với rất nhiều hàng hóa và nông sản.

Bên trong chợ cổ Cần Thơ, du khách có cơ hội tham quan và mua sắm nhiều loại hàng thủ công mỹ nghệ và quà lưu niệm của Cần Thơ. Ngoài ra còn có các quầy bán các hàng nông sản đã qua chế biến. Phía sau chợ, nơi nhìn ra bờ sông, có nhà hàng với nhiều món ăn ngon và đặc trưng cho miền đồng bằng, thu hút rất đông thực khách, đặc biệt là các du khách đến với Cần Thơ.

* Địa chỉ : Đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

* Địa điểm : Tại trung tâm TP. Cần Thơ, trên bến Ninh Kiều, đối diện với đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Cách khách sạn Golf Cần Thơ 500m, gần phà Xóm Chài, cách bến phà Cần Thơ 3,5 km.

* Đường đi: Từ phà Cần Thơ, đi theo tuyến Trần Phú – Nguyễn Trãi – Ngô Gia Tự - Hai Bà Trưng.

* Giờ mở cửa: 7 giờ sáng đến 10 giờ tối.

Nguồn: INFOMAPY

--------------------------------------------------------------------------------
Cưỡi Trâu Lâm Trường Cần Thơ

Công ty du lịch Cần Thơ và lâm trường Mùa Xuân đang làm tiếp giai đoạn 2 mở khu du lịch sinh thái rộng 70ha giữa lâm trường này, sau khi đã đầu tư bạc tỉ làm đường, làm cầu, nhà nghỉ, điểm câu cá, chỗ nuôi chim thú, nhà ăn, sắm trâu....
Từ Cần Thơ theo quốc lộ 1A đi Phụng Hiệp khoảng 25km, đi tiếp 4km đường bộ hoặc xuống vỏ lãi luồn lách sông rạch nửa giờ là tới nơi. Trước khi vô lâm trường Mùa Xuân để cưỡi trâu, du khách thường được hướng dẫn đi câu cá, kéo vó, đặt lờ, lộp bắt cá, bơi xuồng, đi xuyên rừng trên cầu tràm và tìm hiểu sinh hoạt trồng rừng, trồng lúa của người dân địa phương. Tới đoạn cưỡi trâu thì ai cũng mê, hai con trâu mộng của lâm trường cùng với bác nông dân "hướng dẫn viên du lịch tại chỗ" sẽ làm cho đoàn lữ hành cười nghiêng ngả và tốn không biết bao nhiêu là phim với ảnh